Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Đang cắm cúi nấu ăn trong gian bếp chật chội, mù khói, chị P. mất thăng bằng, hai tay quờ quạng gạt trúng chai dầu hỏa nằm trên vách tường. Ngọn lửa bùng lên "nuốt chửng" gian bếp.
Thông tin từ khoa Bỏng - Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (ngày 7/4) cho biết, tại đây đang điều trị cho một phụ nữ bị bỏng dầu hỏa rất nặng. Nạn nhân là chị Ngàn Cắm P. (27 tuổi, ngụ tại Tuy Phong, Bình Thuận). Anh Trần Hồng L. (34 tuổi, chồng nạn nhân) cho biết, trước khi tai nạn xảy ra, chị P. đang cắm cúi nấu ăn trong bếp. Do củi còn tươi, khói nhiều nên chị P. mờ mắt, mất thăng bằng.


Tai nạn bỏng thường để lại những di chứng nặng nề cho nạn nhân
Tai nạn bỏng thường để lại những di chứng nặng nề cho nạn nhân
“Tôi cố gắng quờ quạng để kiếm chỗ vịn nhưng không ngờ trúng chai dầu lửa trên vách. Sau tiếng “choang”, ngọn lửa phụt lên trùm cả gian bếp. Tôi cố lấy sức nhào ra ngoài, quần áo, tóc tai đều bị cháy, da thịt bỏng rát” - Tỉnh lại trên giường bệnh, chị P. bàng hoàng cho biết. Cũng theo chị P. chai dầu được gia đình chị trữ sẵn trong bếp để nhóm lửa khi nấu bếp củi và dùng để thắp đèn mỗi lúc bị cúp điện.

Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện địa phương, nạn nhân được chuyển thẳng tới khoa Bỏng – Tạo hình, bệnh viện Chợ Rẫy. BS Huỳnh Bá Long cho biết, bệnh nhân bị bỏng lửa dầu 36% độ II; III ở vùng mặt, cổ, thân và tứ chi. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được cắt lọc hoại tử, ghép da vùng bỏng sâu nhưng trước mắt người bệnh phải vượt qua được tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc.

Bỏng lửa là tai nạn đặc biệt nguy hiểm đe dọa đến tính mạng nạn nhân. Để hạn chế mối đe dọa từ “bà hỏa”, bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên đặt các dung dịch dễ bắt lửa như cồn, xăng, dầu… trong khu vực nhà bếp. Không nên sử dụng bếp gas hoặc bình gas quá cũ; khí gas rò rỉ gây cháy nổ đã khiến nhiều người phải nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch.
Categories: