Rong kinh sau sinh là hiện tượng phổ biến mà các mẹ thường gặp do rối loạn nội tiết tố khi vừa mới sinh em bé. Đây là thời kỳ khá nhạy cảm đối với các mẹ, và nếu không có những biện pháp khắc phục đúng đắn sẽ dẫn đến những hậu quả về sau.
Chu kỳ kinh nguyệt thường quay trở lại với các mẹ sau sinh khoảng 3 tới 5 tháng. Nếu kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày thì đó chính là khi các mẹ đang bị rong kinh. Vậy rong kinh sau sinh phải làm gì?
– Đối với những trường hợp bị rong kinh nhẹ thì không cần thiết phải điều trị bằng thuốc, nó sẽ tự mất đi và ổn định lại trong một thời gian sắp tới. Tuy nhiên các mẹ vẫn cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Vệ sinh hàng ngày
Vệ sinh hàng ngày là điều vô cùng quan trọng, tuy đó là thứ đơn giản để thực hiện, nhưng không phải ai cũng có những cách làm đúng để khắc phục hiện tượng rong kinh. Sau sinh cơ thể của người mẹ trở nên nhạy cảm, cơ quan sinh dục vừa trải qua những tổn thương nặng nề sẽ vẫn chưa thể khỏe mạnh lại được hoàn toàn sau thời gian ngắn. Khi các mẹ vệ sinh hàng ngày là đã nâng cao sự bảo vệ cho cơ quan sinh dục khỏi những tác nhân gây hại xâm nhập từ bên ngoài. Thay băng vệ sinh ít nhất 4 lần/ ngày, dù máu ra nhiều hay ít cũng nên thay chứ không nên thấy ít nên ngại thay bởi đó chính là môi trường thích hợp cho vi khuẩn tấn công vùng âm đạo của các mẹ. Các mẹ sử dụng nước ấm hòa lẫn một ít muối trắng để rửa là sự lựa chọn tốt, vừa diệt khuẩn vùng kín và không gây kích ứng.
2. Không nên quan hệ tình dục đến khi rong kinh chấm dứt
Nhiều người vẫn quan hệ tình dục khi mà kỳ kinh nguyệt vẫn còn “dang dở” dẫn đến một số lượng máu nhất định bị ứ đọng lại phía sâu trong âm đạo, làm kéo dài hiện tượng rong kinh, có thể còn thấy máu kinh máu đen do bị ứ đọng lại lâu. Bởi thế, hãy để đến khi nào bạn không còn ra máu kinh dù chỉ là ít thì mới sinh hoạt vợ chồng.
3. Nên ngủ đủ giấc, không nên lo lắng quá nhiều
Hiện tượng này không gây nguy hiểm nếu là rong kinh đơn thuần và mẹ nào cũng phải gặp phải sau sinh, hãy cứ yên tâm và ngủ đủ giấc, không cần phải lo lắng gì nhiều về điều này để không làm cho hiện tượng xấu đi.
4. Chế độ dinh dưỡng đảm bảo
Tham khảo từ bác sĩ hoặc các thông tin sách báo đáng tin cậy về chế độ dinh dưỡng sau sinh để không ảnh hưởng đến kỳ kinh nguyệt và sức khỏe của bản thân, và chắc chắn còn phải tốt cho nguồn sữa nuôi em bé nữa rồi. Ngoài ra các mẹ nên chú ý uống nhiều nước cho cơ thể.
– Khi nào thì sự rong kinh trở nên nghiêm trọng và cần đến bác sĩ ngay lập tức? Khi rong kinh kéo dài, máu ra quá nhiều kèm theo các triệu chứng như máu đông, máu vón cục ra nhiều, đau bụng dưới, người cảm thấy mệt mỏi, sốt, nhức đầu… thì nên đến gặp bác sĩ phụ khoa để được khám và điều trị thích hợp. Để lâu dẫn đến mất máu nhiều, cơ thể suy nhược, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Các bác sĩ thường sẽ cho uống thuốc nhằm cân bằng lại hàm lượng hormone estrogen và progesteron, khắc phục một trong những nguyên nhân điển hình gây ra hiện tượng rong kinh.
Rong kinh rất có thể là biểu hiện của bệnh lý nào đó mà các mẹ đang mắc phải. Trong trường hợp bị bệnh lý được phát hiện sẽ có những phác đồ điều trị riêng cho từng bệnh, từng người.
Không được tự mua thuốc về uống mà không qua khám và kê đơn của bác sĩ sẽ dễ dẫn đến uống sai thuốc khiến bệnh tình không khỏi mà còn nặng hơn. Ngay cả khi các mẹ định áp dụng những bài thuốc dân gian để cầm máu thì cũng nên hỏi các bác sĩ xem có thực sự an toàn với cơ thể sau sinh hay không để không ảnh hưởng gì đến sức khỏe em bé và chính mình.
Rong kinh sau sinh tuy là hiện tượng thường gặp ở hầu hết các mẹ nhưng không vì như thế mà các mẹ lại chủ quan với chính sức khỏe của mình. Hãy là “các bà mẹ thông minh” để vượt qua được giai đoạn khó khăn nhiều biến động này nhé các mẹ!
Chúc các mẹ luôn vui và mạnh khỏe!